Welcome
Công nghiệp điện tử Việt Nam : Loay hoay tìm lối ra
Mặc dù có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ trong những năm qua nhưng ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) VN vẫn bị đánh giá là “người tí hon”, thậm chí còn bị đánh giá là lạc hậu hàng thập kỷ so với các nước trong khu vực. Vậy đâu là hướng đi để khơi thông khó khăn cho ngành CNĐT ?
 
Nhiều sản phẩm điện tử trong siêu thị mang thương hiệu của các cồng ty đa quốc gia

Còn nhớ ở thời kỳ hoàng kim những năm đầu của thập kỷ 90, khi nhu cầu sử dụng hàng điện tử ở VN cao, cộng với chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực này, VN vô hình trung trở thành một mảnh đất màu mỡ cho các DN điện tử nước ngoài. Những Sony, Toshiba, JVC của Nhật Bản rồi Samsung, LG… của Hàn Quốc vào VN và không phải mất nhiều công, họ nhanh chóng trở thành những quán quân trong lĩnh vực CNĐT ở VN. Khi đó, CNĐT được coi là “người hùng” có tốc độ tăng trưởng 20 – 30%/năm… Đương nhiên, khi ấy các DN điện tử VN nhanh chóng bị họ cho “đo ván” và trở thành “người ngoài cuộc” trong thị trường VN.

Loay hoay ở vạch xuất phát

Và rồi gần 20 năm sau, cho đến tận năm 2010 này khi nói về sự phát triển của các DN điện tử VN, một chuyên gia về CNĐT nhận định: CNĐT ở VN có thể nói gần như con số “0”. Có tới 95-98% sản phẩm điện tử, tin học xuất đi từ VN là của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong các sản phẩm điện tử, máy tính xuất đi từ VN chỉ vài phần trăm. Đa số các sản phẩm của các DN điện tử VN XK vẫn dừng lại ở lắp ráp, phần lớn linh kiện nhập khẩu.  Vị chuyên gia này cay đắng: Công nghệ gia công, lắp ráp của DN trong nước là nỗi đau của người trong ngành dù những đồng đôla thu về ngày nay đã nhiều hơn trước.

Thực tế của ngành CNĐT VN hiện nay, theo như lời chân tình của một giám đốc DN điện tử trong nước thì hiện vẫn sản xuất theo quy trình: Nhập linh kiện từ Trung Quốc rồi lắp ráp thành nguyên chiếc, dán mác của DN vào là xong. “Đa số các DN VN có quy mô nhỏ, sản xuất theo nhu cầu thị trường, cái gì cũng sản xuất để rồi không biết sản phẩm chủ lực của mình là gì và cuối cùng cái mình có cũng vẫn chỉ là con số “0 tròn trĩnh” – Vị giám đốc chia sẻ.

Theo các chuyên gia, một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành CNĐT VN hiện nay chính là yếu kém trong năng lực thiết kế. Hầu như trong các trường đại học chưa có đào tạo về lĩnh vực này. Trong khi đó, ngay bản thân các DN cũng chưa chú tâm tới mảng này mà chỉ tập trung vào gia công, lắp ráp hoặc thuê ngoài. Trong khi đó, ở các nước vấn đề này lại được họ rất quan tâm, có nhiều chính sách phù hợp hỗ trợ cho nhân lực theo học về nghiên cứu, thiết kế kiểu dáng công nghiệp điện tử. Như Hàn Quốc, các DN sản xuất máy tính đều có nhân lực được đào tạo chuyên về nghiên cứu phát triển, thậm chí nhân lực đó có thể được đi học liên tục 5 năm, 10 năm tại những quốc gia có ngành công nghiệp thiết kế tiên tiến hàng đầu thế giới.

Phát triển bằng lối nào ?

Thực tế cho thấy, các DN điện tử VN với đa số ở quy mô nhỏ và vừa nên gặp nhiều hạn chế trong hoạt động. Song song đó, ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện cũng phát triển chậm, không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp trong nước, nên hàm lượng lao động VN trong các sản phẩm điện tử bình quân chỉ khoảng 5 – 10% giá trị sản phẩm… Và như thế cũng dễ hiểu khi chúng ta không có sản phẩm “Made in Vietnam” đúng nghĩa.

Theo các DN, hiện nay vấn đề vốn vẫn là khó khăn của các DN. Thực tế thị trường đã có song để có thể cạnh tranh với các tên tuổi trên thế giới, các DN cần có chiến lược khôn ngoan, bài bản của “kẻ đi sau” thì mới thắng được.

Theo một chuyên gia  trong lĩnh vực CNĐT, lĩnh vực này đòi hỏi vốn rất lớn. Có vốn thì mới có công nghệ, mới tuyển được người giỏi. Đó là yếu tố mà các DN VN còn rất yếu. theo vị chuyên gia này, có hai nguồn có thể huy động vốn. Đó là đầu tư nước ngoài và kêu gọi vốn nhàn rỗi trong dân. Vấn đề kêu gọi đầu tư nước ngoài thì không phải quá khó, thực tế gần đấy cũng đã có một số DN nước ngoài đầu tư hàng tỷ USD vào VN như Intel là một ví dụ.

Trong khi đó, để huy động được vốn nhàn rỗi trong dân, các DN điện tử phải cho người dân thấy đầu tư vào điện tử hấp dẫn hơn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán… Muốn được như vậy, các DN điện tử cần phải có thương hiệu để người dân tin tưởng, yên tâm đầu tư.

Còn theo quan điểm của Hiệp hội Điện tử VN, để phát triển CNĐT cần xây dựng những khu CNĐT lớn, thành lập các Viện nghiên cứu đầu ngành giống như Viện nghiên cứu công nghệ ở Đài Loan, Viện Điện, điện tử ở Thái Lan… Đặc biệt cần nâng cấp các trung tâm thiết kế IC hiện có và thành lập thêm một số trung tâm thiết kế IC tại Hà Nội và TP HCM. Quy hoạch lại các DN lắp ráp sản phẩm điện tử thành những DN lắp ráp chuyên nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao để tham gia chuỗi sản xuất hàng điện tử toàn cầu…

Rõ ràng, các DN điện tử VN đang đứng trước những cơ hội lớn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sẽ là khôn ngoan hơn nếu DN điện tử biết lựa chọn đúng “dòng sản phẩm chiến lược”, đầu tư nâng cao chất lượng và hạn chế rủi ro cho mình. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm mới để nâng giá trị và sức cạnh tranh cho hàng điện tử cũng là điều mà các DN nên chú tâm. Các DN cũng nên mạnh dạn chuyển đổi hướng sản phẩm: từ sản xuất hàng điện tử dân dụng sang chuyên dụng, từ sản xuất sản phẩm sang sản xuất linh kiện, sản phẩm phần mềm. Từ đó tạo điều kiện để ngày càng có nhiều DN nội địa sản xuất các sản phẩm phụ trợ với hàm lượng công nghệ cao.

Và nói như Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên: Khi hướng đi của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa rõ nét, các nhà công nghiệp VN nói chung và DN ngành chế tạo điện tử nói riêng không thể không cải tiến mình. Điện tử giống như một số ngành sử dụng công nghệ cao khác sẽ đóng vai trò đầu tầu cho nền kinh tế, bởi vậy đây chính là thời điểm DN cần nhanh nhạy để có được những công nghệ và kinh nghiệm cần thiết cung ứng cho bản thân DN họ cũng như vực dậy và tiến xa hơn khi nền kinh tế phục hồi.

13/09/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Quảng cáo công nghệ 3-D tiếp cận hệ thống các rạp chiếu
      Bộ máy tìm kiếm hàng đầu tại Mỹ trong tháng 6/2010
      Ford chính thức khai tử thương hiệu Mercury
      Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản
      Hướng tới chiến lược cạnh tranh động
      Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sản xuất cầm chừng
      Bàn về marketing trực tuyến