Welcome
Tranh chấp hợp đồng giữa công ty Việt Hàn và K.P.I : Bỏ cuộc vì bị xử ép !
Việc tranh chấp hợp đồng giữa hai Cty cuối cùng đã phải đưa ra tòa án để giải quyết. Đó là điều bình thường. Nhưng, trong trường hợp này lại nảy sinh một vấn đề đáng quan tâm là tại hai phiên tòa đều xác định nguyên đơn có quyền hủy hợp đồng do bị đơn vi phạm hợp đồng, nhưng lại không bắt bị đơn bồi thường.
 

Thùng xe tải của Cty K.P.I

Ông Trần Điện – Giám đốc Cty CP ôtô Hyundai Vinamotor Việt Hàn (Cty Việt Hàn, Đà Nẵng) cho biết không tiếp tục vụ tranh kiện hợp đồng kinh tế với Cty TNHH sản xuất xe chuyên dụng K.P.I nữa. Ông bày tỏ không còn tin tưởng tòa án, khi phán quyết của cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm diễn ra tại tỉnh Hưng Yên đều có dấu hiệu xử ép một chiều.

Kiện đúng, nhưng lại “hòa”

Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 9/2009, hai Cty Việt Hàn và K.P.I đã ký 3 hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo đó Cty K.P.I cam kết sẽ giao bán đầy đủ 42 xe ôtô chuyên dụng trong vòng 50 ngày cho Cty Việt Hàn, sau khi Cty Việt Hàn chuyển đủ số tiền cọc trị giá 15% giá trị lô hàng. Vào ngày 23/9/2009, Cty Việt Hàn chuyển đủ số tiền cọc hơn 4,5 tỷ đồng cho K.P.I. Nhưng mãi đến ngày 18/11, hết hạn cam kết, K.P.I cũng chưa giao chiếc xe nào. Cty Việt Hàn gởi hai công văn thúc giục, K.P.I vẫn im lặng.

Nhận thấy hợp đồng không được K.P.I tuân thủ, Cty Việt Hàn liền thông báo sẽ hủy hợp đồng và đòi lại tiền cọc. Đến lúc đó, Cty K.P.I mới báo tin giao hàng chậm sang tháng 2/2010. Không chấp nhận sự trễ nãi vô lý đó, và nhất là thời gian thực hiện hợp đồng theo cam kết đã hết, Cty Việt Hàn đề nghị K.P.I chấm dứt hợp đồng. Thật bất ngờ, K.P.I lật ngược lý lẽ, cho là Việt Hàn gây khó khăn cho K.P.I và không chịu trả tiền cọc. Quá bức xúc, Cty Việt Hàn kiện K.P.I ra tòa.

Tại cả hai phiên xử sơ thẩm (ngày 28/5/2010) và phúc thẩm (11/8/2010), đại diện Cty K.P.I không đưa ra được lý do chính đáng nào về việc không giao hàng. Cty này vin vào điều khoản phụ trong 3 hợp đồng về việc phạt giao hàng chậm, để cho rằng mình có quyền giao hàng chậm đến lúc nào cũng được, ngoài thời hạn đã ký trong hợp đồng, miễn là chấp nhận nộp phạt. Luật sư Cty Việt Hàn bác bỏ lý lẽ này, vì điều khoản phụ không thể phá vỡ điều khoản cơ bản của hợp đồng là thời hạn giao hàng đã cam kết. Khi K.P.I không giao hàng đúng hạn, là vi phạm hợp đồng, thì Việt Hàn có quyền hủy bỏ hợp đồng, đòi lại tiền cọc cũng như các khoản bồi thường khác theo luật cho phép.

Trước thực tế tranh biện đó, cả hai phiên tòa đều công nhận Việt Hàn có quyền hủy hợp đồng đã ký, do Cty K.P.I đã vi phạm hợp đồng. Song cả hai phiên tòa lại đều bác quyền đòi bồi thường của Việt Hàn, chỉ chấp nhận yêu cầu đòi lại tiền cọc đã giao cho K.P.I với mức lãi ngân hàng kèm theo.

Vì sao tòa bác quyền bồi thường ?

Theo ông Trần Điện, do K.P.I không giao hàng đúng hạn, Cty Việt Hàn bị mất cơ hội kinh doanh vào thời điểm mùa Tết 2010, mất uy tín với các đối tác đặt hàng, đồng thời phải chịu lãi vay ngân hàng suốt gần 1 năm với số tiền cọc, cùng nhiều khoản chi phí khác. Vì thế, ông Trần Khánh Linh, luật sư đại diện Cty Việt Hàn kiến nghị tòa án buộc K.P.I phải chịu trách nhiệm đền bù. Cụ thể theo Luật Thương mại và Luật Dân sự, Cty K.P.I phải chịu phạt vi phạm hợp đồng có thể đến 8% giá trị đơn hàng; chịu phạt 1 khoản tiền tương đương với số tiền cọc giao kết. Tại tòa, Cty Việt Hàn yêu cầu các mức phạt này là phạt giao hàng chậm bằng 1% giá trị hợp đồng và phạt vi phạm hợp đồng bằng 100% giá trị tiền cọc, với tổng số tiền xấp xỉ 6 tỷ đồng.

Thế nhưng chủ tọa hai phiên tòa đều cho rằng “Cty K.P.I không phải là không thực hiện hoặc từ chối thực hiện hợp đồng”, mà chỉ muốn đổi qua hình thức giao hàng chậm, có chịu nộp phạt. Nên khi Việt Hàn hủy hợp đồng, K.P.I không bị mắc lỗi phá vỡ hợp đồng (?). Việc giao hàng cũng chưa xảy ra, nên Việt Hàn không thể buộc K.P.I phải chịu phạt giao hàng chậm. Do đó, tòa bác bỏ các yêu cầu đòi bồi thường.

Ông Trần Khánh Linh phân tích, cả hai tòa không xét đủ các khía cạnh của vụ án. Hành vi vi phạm hợp đồng của K.P.I là rõ ràng, và là nguyên nhân buộc Việt Hàn phải hủy hợp đồng. Khi K.P.I hết hạn cam kết vẫn không giao hàng, Cty này đương nhiên không thực hiện hợp đồng, khiến hợp đồng bị vô hiệu. Nếu K.P.I muốn gia hạn, phải thỏa thuận với Việt Hàn trước mốc hết thời hạn cam kết, chứ không thể báo lại sau đó. Vì vậy, K.P.I đã mất quyền duy trì tiếp hợp đồng và phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Tòa không thể xem việc K.P.I muốn chuyển qua giao hàng chậm là có thể chối bỏ thực tế Cty này đã phá vỡ hợp đồng. Hơn nữa, điều khoản giao hàng chậm ở hợp đồng là nằm trong thời hạn cam kết giao hàng, chứ không thể kéo dài sau điều khoản cơ bản của hợp đồng. Còn về lỗi giao hàng chậm, do K.P.I không giao hàng suốt 50 ngày cam kết, thì phải chịu phạt giao hàng chậm toàn bộ lô hàng với thỏa thuận trong hợp đồng, là 1% giá trị đơn hàng.

“Tôi rất khó hiểu khi tòa án không xem xét việc phải chịu trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng.  Nếu nói chúng tôi không đủ điều kiện đòi bồi thường, tòa phải có căn cứ pháp lý để chứng minh, chứ không thể dựa vào quyền của tòa rồi phán quyết kiểu bên đúng bên sai đều bằng nhau như thế” - ông Trần Điện bày tỏ sau phiên phúc thẩm.

30/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Tháng 8/2010: Mở bán căn hộ Hapulico Complex
      Thị trường ghi dấu ấn của nhà đầu tư mới
      Dùng tiền quỹ bình ổn... chưa ổn
      Hàng Việt chiếm lĩnh hệ thống phân phối hiện đại
      Thương hiệu doanh nghiệp hay sản phẩm
      Vòng tròn đã mở rộng
      3D: Cách mạng hay trào lưu?