Welcome
Giảm diện tích trồng điều ở Bình Phước : Báo động “đỏ”
Hơn 13 năm gắn bó với cây điều, lãnh đạo và nông dân Bình Phước đã nếm đủ vị ngọt chát được mùa, mất giá của loại cây này. Nhưng chuyện “thủy chung” với cây điều đã dần phai nhạt với nông dân Bình Phước kể từ năm 2008 vì lý do chuyển đổi diện tích canh tác điều để trồng cây cao su và một số loại cây nông sản khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều giai đoạn 2010 – 2015, tầm nhìn 2020 của tỉnh Bình Phước vì thế đang gặp phải nhiều khó khăn.

Đống gỗ điều dài hơn 100m phơi mình trên đường ĐT741
(đoạn xã Bù Lách – huyện Bù Gia Mập – tỉnh Bình Phước). Ảnh chụp ngày 1/7/2010

Với diện tích hơn 150 ngàn ha, chiếm 45% diện tích điều cả nước; năng suất cao từ 1,1 – 1,5 tấn/ha và có trên 200 cơ sở chế biến hạt điều, Bình Phước là thủ phủ điều cả nước và ngành điều trở thành ngành nông sản chủ lực của tỉnh. Việc gắn bó với cây điều đã giúp không ít hộ nông dân xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, dù giá điều có tăng đáng kể nhưng so với giá trị kinh tế của 1 ha cao su thì 1ha điều vẫn thua từ 1,5 – 2 lần.

Đoạn tuyệt với cây điều

Anh Đỗ Văn Trường - một người dân trồng điều có thâm niên ở xã Long Hưng, huyện Bù Gia Mập cho biết: “Mặc dù giá điều năm nay duy trì mức ổn định 14 – 18 ngàn đồng/1 kg, tức cao hơn những năm trước từ 5 – 6 ngàn đồng nhưng năng suất điều lại giảm mạnh, không còn giữ ở mức 11,06 tạ/1 ha như mọi năm. Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài, thời tiết biến đổi thất thường, nhiều sương muối, sâu bọ phát triển… đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, ra hoa và tạo quả của cây điều”. Ở nhiều địa phương Bình Phước, năng suất đã bị giảm hơn một nửa, giá tuy cao nhưng thu nhập đem về vẫn không thể đảm bảo cuộc sống. Cho nên, giải pháp mà người dân lựa chọn là chuyển đổi canh tác sang trồng cây cao su.

Những hộ dân có kinh tế khá ổn định sẵn sàng cưa trắng vài ha điều. Còn những hộ có kinh tế trung bình thì lại lấy ngắn nuôi dài theo phương pháp: Chặt tỉa những cành xung quanh, chỉ để lại tán ngọn và trồng xen cây cao su ở giữa hàng xông với mục đích tận thu vườn điều một vài năm nữa. Sau khi cây cao su trưởng thành (còn khoảng 2 năm cho thu hoạch), người dân sẽ đốn bỏ cây điều. Anh Nguyễn Duy Hiến – một nông dân trồng điều ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú cho biết: “Gia đình anh có 3 ha điều nhưng tháng 6 năm 2009 anh đã trồng xen canh gần 2 ha cao su, chờ khi cao su đến thời kỳ thu hoạch sẽ đốn bỏ hết cây điều và trồng cao su trên 1 ha còn lại”. Với cách thức này, sự sống của cây điều duy trì thêm 2 – 3 năm, nhưng năng suất sẽ giảm đáng kể.

Đến Bình Phước thời điểm này, dễ dàng chứng kiến cảnh điều bị cưa chất thành đống trên các tuyến đường nội tỉnh, đặc biệt trên đường ĐT741 (đoạn Đồng Phú – Phước Long). Như vậy, diện tích hơn 150 ngàn ha điều của Bình Phước đang bị đe dọa nghiêm trọng, nguy cơ cây điều bị chặt bỏ khoảng 20 ngàn ha trong năm 2010 là có căn cứ. Vòng luẩn quẩn e rằng sẽ lặp lại như những năm 1994 – 2000, nông dân Bình Phước đổ xô chặt điều trồng cà phê, hồ tiêu, rồi lại chặt bỏ cà phê trồng điều, cao su. Chạy theo lợi nhuận nhưng không nắm chắc quy luật phát triển của thị trường sẽ chuốc lấy những thiệt thòi cho người dân và ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Nhìn từ các cơ sở chế biến

Khi diện tích giảm, vấn đề tồn tại của hàng trăm cơ sở chế biến hạt điều vừa và nhỏ của Bình Phước đang trên bờ vực. Theo tin từ Hiệp hội điều VN (Vinacas), niên vụ năm 2010, sản lượng điều của cả nước đạt khoảng 300 ngàn tấn, giảm 50 ngàn tấn so với năm 2009. Để đủ hàng xuất khẩu, các DN chế biến hạt điều trong nước sẽ phải nhập thô khoảng 300 ngàn tấn, tăng 50 ngàn tấn so với năm 2009. Và các cơ sở chế biến điều Bình Phước cũng chịu chung bối cảnh nhập khẩu hạt điều thô 40 –50% so với sản lượng trong nước.

Một vài năm gần đây, số lượng Cty, cơ sở chế biến hạt điều của Bình Phước tăng rất nhanh. Nếu như năm 2002, cả tỉnh chỉ có 33 cơ sở chế biến điều, với công suất hơn 25.000 tấn/năm thì đến năm 2009 có trên 200 cơ sở (vừa và nhỏ), công suất tăng gần 6 lần (hơn 133.000 tấn/năm) và thu hút hàng ngàn nhân công lao động. Toàn tỉnh hiện có 6 cơ sở chế biến sản phẩm nhân điều ăn liền, với tổng công suất 4.360 tấn/năm; 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP. Ngoài các cơ sở chế biến nhân điều thành phẩm, một số DN còn đầu tư chiết xuất dầu điều và cồn từ quả điều, sản xuất gỗ ván ép từ điều, nhằm tăng chuỗi doanh thu.

Thực tế cho thấy, sự xuất hiện ngày càng nhiều các Cty, xí nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều đã dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt ngay trong thị trường chế biến và đem về những lợi nhuận thiết thực cho người trồng điều: giá cả khởi sắc, được một số Cty bao tiêu sản phẩm, cho ứng vốn trước để đầu tư vườn trồng, trợ cấp giống và kỹ thuật chăm bón… Hiện nay, đã có nhiều hộ gia đình và các cơ sở chế biến nhỏ lẻ tự gia công bóc tách để bán nhân điều cho các cơ sở, Cty lớn nhằm tăng thêm giá trị thành phẩm so với việc bán điều trực tiếp tại vườn. Việc xuất hiện đại trà các cơ sở chế biến hạt điều còn mang ý nghĩa giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, đóng góp đáng kể vào doanh thu ngân sách nhà nước và hoạt động phúc lợi xã hội mà các Cty mang lại cho cộng đồng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận từ quan điểm đối sánh hai chiều, khi mà có quá nhiều cơ sở chế biến trên cùng một địa bàn, vấn đề bảo vệ môi trường lại phải đặt ra; tình trạng xâu xé, độc quyền của các Cty lớn đối với các cơ sở chế biến nhỏ lẻ là không thể tránh khỏi; khó khăn trong công tác kiểm định vệ sinh, chất lượng sản phẩm nhân điều; việc quản lý số lượng nhân công và những chính sách xã hội cho người lao động (tự phát theo mùa vụ) khó có thể đảm bảo được…

Giải pháp cứu cây điều

Trước tình trạng diện tích, sản lượng điều năm 2010 sụt giảm so với năm 2009 và thực trạng người dân vẫn đốn hạ điều, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và các ngành liên quan đã và đang xây dựng chính sách phát triển ngành điều theo hướng chuyên canh ổn định và bền vững. Nhưng liệu chính sách ra đời có đủ hiệu lực “cứu” cây điều và còn đủ kịp để thực hiện hay không ?

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Hội điều tỉnh và sở, ngành hữu quan tổ chức họp dự thảo quy định một số chính sách hỗ trợ cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc hỗ trợ đầu tư, cải tiến công nghệ, dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất chế biến hạt điều cho các DN. Ngoài ra, còn thảo luận 10 chính sách hỗ trợ khác như: đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu điều, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng giá trị xuất khẩu… Đây là những định hướng chiến lược lâu dài. Tuy nhiên người trồng điều hiện nay đang cần những chính sách hỗ trợ giá, vật tư, phân bón, kỹ thuật, chuyển đổi giống trồng mới cho năng suất cao… để có thể kích thích nhà vườn đầu tư, gắn bó mặn mà hơn với cây điều. Trợ giúp người trồng điều chính là trợ giúp các DN có một hậu phương nguyên liệu vững chắc, không phải thụ động trông chờ vào việc nhập khẩu điều thô từ các nước Châu Phi, Campuchia, Indonesia… Mặt khác, các DN chế biến vẫn còn đủ tiềm năng để cứu chính họ, trong khi người trồng điều đang khốn đốn với bao phen được mùa mất giá.

30/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Schweinsteiger có thương hiệu đắt giá nhất Đức
      Thị trường xe máy: “Ngoại” lặng sóng, “nội” dập dồn
      10 bí quyết quản lý nhân sự đầu năm
      Bốn dũng khí cần có trong khi làm việc
      Khi lòng tin bị đánh mất
      Siêu thị điện máy nhiều kế bẫy khách hàng
      VOV Giao thông: Thành công là nhờ thính giả