Welcome
Sử dụng thiết bị trong nước tại công trình đấu thầu: Không chỉ… hô hào
Trong khi nhiều thiết bị, máy móc tại các công trình đấu thầu, các DN trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận được nhưng nhiều nhà thầu vẫn cho nhập các máy móc thiết bị từ nước ngoài khiến cho sản xuất trong nước gặp khó khăn, đặc biệt nó khiến tình trạng nhập siêu ngày một gia tăng. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, về lâu dài, giải pháp chính là tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu và chi tiêu công. Thế nhưng, thực tế không hề đơn giản !
Nhiều nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu các công trình thủy điện vì… giá rẻ

Không thể phủ nhận rằng, sau khi triển khai Nghị quyết số 18 của Chính phủ về “Những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010” và Chỉ thị số 494 về việc sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước từ tháng 4/2010 đến nay, đã cho những kết quả đáng mừng: Hầu hết các mặt hàng vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị phụ tùng nhập khẩu 4 tháng gần đây và 7 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ so với năm ngoái. Cụ thể, như tổng sản lượng sắt thép các loại nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm giảm 5,9%; phân bón giảm 37,7%; clinker giảm 13,6%, ôtô nguyên chiếc giảm 8%…

Ít hàng nội trong dự án đấu thầu quốc tế

Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị phụ tùng 7 tháng qua tăng 14% so với cùng kỳ năm 2009 và đang là nhóm hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của VN. Nhóm hàng này chủ yếu nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án đầu tư. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do có tới hơn 90% các công trình trọng điểm của nhà nước đều do các nhà đầu tư nước ngoài thắng thầu và làm tổng thầu, dẫn đến nhiều sản phẩm cơ khí trong nước không có cơ hội tham gia dự án. Trong số các loại hàng hoá nhập khẩu vào nước ta khiến gia tăng nhập siêu thời gian qua, chính là mặt hàng máy móc thiết bị công nghiệp, chiếm tới hơn 30% tổng lượng nhập khẩu hàng năm. Trong khi, loại hàng hoá này chủ yếu nằm ở khâu đầu tư  hoặc đầu vào của nhiều ngành kinh tế công nghiệp quan trọng. Bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội đưa ra con số khiến nhiều người giật mình. Theo bà Loan – hiện có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế – cung ứng thiết bị – xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) của VN do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Ông Trần Văn Quang – TGĐ Cty CP Thiết bị kỹ thuật điện Đông Anh còn cho biết, tuy là một trong vài ba DN trên thế giới có thể sản xuất được máy biến áp 500 KVA, nhưng DN này vẫn khó có thể tham gia các dự án điện, cho dù là đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

Mặc dù Hiệp hội Thép VN liên tục khẳng định năng lực sản xuất của các nhà máy thép trong nước đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí thừa công suất. Tuy nhiên thép trong nước vẫn chưa thể cạnh tranh với thép nhập khẩu, nhất là trong các công trình nước ngoài thắng thầu. Lý giải về điều này, một chuyên gia ngành thép giải thích, hiện sản xuất thép trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập. Trong 6 tháng qua, giá nguyên liệu tăng từ 350 USD một tấn hồi đầu năm lên trên 600 USD vào tháng 4 khiến giá thành sản phẩm phải tăng theo nên càng khó cạnh tranh với thép nhập khẩu.

Từ thực tế số liệu nhập siêu hàng năm, có thế thấy có tới 60 – 70% mặt hàng là hàng cơ kim khí trong nước có thể sản xuất được, trong khi – lượng hàng nhập khẩu lớn thứ 2 (sau các loại nguyên phụ liệu phục vụ gia công, chế biến hàng xuất khẩu) chính là các loại máy móc thiết bị công nghiệp, chiếm khoảng 30%. Chỉ tính riêng mỗi dự án mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đầu tư có ít nhất 30-40% giá trị công trình là những sản phẩm cơ khí trong nước có thể sản xuất được..

Sửa đổi Luật đấu thầu ?

Để giải quyết tình trạng nhập khẩu tràn lan các thiết bị máy móc trong các công trình lớn, các  DN cho rằng, chính sách liên quan đến việc đấu thầu được áp dụng từ nhiều năm nay cần có sự sửa đổi vì nó đang bó buộc sự phát triển của DN. Ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch HH DN cơ khí VN đưa ra ví dụ, có những lĩnh vực trước đây DN được làm nhưng nay không được làm. Mười nhà máy nhiệt điện 300 MW hiện đều do nhà thầu nước ngoài  thực hiện, DN trong nước không được tham gia. Theo ông Thụ, các DN Việt có thừa kinh nghiệm thực hiện được các dự án lớn, nhưng khi đấu thầu thì… đều thua nhà thầu nước ngoài. Dự tính từ nay đến năm 2025, chúng ta phải chi khoảng 107 tỷ USD để làm các nhà máy năng lượng, nhập thiết bị cho công trình khai khoáng. Nếu để tình trạng các nhà thầu ngoại lấn át như hiện nay, chúng ta sẽ trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm, thiết bị chất lượng thấp từ một vài nước trong khu vực. Ông Thụ đề nghị, cần phải sửa đổi Luật đấu thầu cũng như ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn cho Chỉ thị 494 về việc sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.Trong rất nhiều công trình công gnhiệp thì chủ yếu chúng ta nhập siêu là mua thiết bị công nghiệp cho các công trình đầu tư của các tập đoàn, tcty nhà nước.. NQ 18 đề ra nhưng  phải có những giải pháp cụ thể. Nghĩa là các tập đoàn, TCty muốn đầu tư các công trình công nghiệp thì khi làm luận chứng kinh tế kỹ thuật thì phải đề xuất với Nhà nước là dùng các sản phẩm cơ khí mà trong nước đã sản xuất được, không phải nhập siêu.

Từ kinh nghiệm nhiều năm tham gia đấu thầu các công trình điện, bà Loan cũng cho rằng, cần sửa đổi Luật đấu thầu, bởi nếu chỉ cạnh tranh về giá thì DN trong nước sẽ mất cơ hội làm tổng thầu (EPC). Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được khó có cơ hội “chen chân” vào các dự án nước ngoài thắng thầu. Bà Loan còn khẳng định cần thiết phải sửa lại Luật đấu thầu và đặc biệt phải có cơ chế chính sách đối với những dự án sử dụng ngân sách nhà nước và những dự án có nguồn vốn trong nước, những dự án không nhất thiết đấu thầu quốc tế thì không cần thiết mà nên đấu thầu trong nước…).

Trong khi đó, ở góc độ là DN sản xuất, ông Hoàng Chí Cường – Tổng giám đốc Cty xây dựng công nghiệp VN cho rằng, để có thể nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất trong nước cũng như để sản phẩm trong nước đáp ứng cao hơn nhu cầu của các công trình lớn, Nhà nước cần hỗ trợ các DN trong nước, bảo lãnh tín dụng vay vốn cho việc chế tạo các thiết bị cần vốn lớn và sản xuất lâu dài. Ông Cường cho rằng, về lâu về dài Nhà nước cần đầu tư và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, chế tạo phôi với công nghệ tiên tiến để khắc phục tình trạng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của ngành cơ khí hiện nay. Đặc biệt, Nhà nước nên có chính sách “đặt hàng” cho ngành cơ khí thông qua các hình thức chỉ định thầu, tổng thầu EPC cho các DN cơ khí trong nước. Đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa các DN cơ khí với các viện nghiên cứu, DN khoa học kỹ thuật, các tập đoàn trong và ngoài nước…

Hay tăng cường quản lý nhà nước ?

Theo Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, trong những năm qua, việc sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước chưa được quan tâm đúng mức nên hàng hoá nước ngoài được ưu tiên và thắng thầu. Một mặt là do hồ sơ mời thầu các dự án lớn thường được giao cho các tư vấn nước ngoài soạn thảo. Các tiêu chuẩn được đưa vào hồ sơ mời thầu một cách máy móc, sao chép lại từ các hồ sơ được đánh giá là đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Từ định nghĩa, tiêu chuẩn sản phẩm đến năng lực nhà thầu đều thiên về các DN nước ngoài – nên – không có DN VN nào đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra, và hậu quả là không lọt qua được vòng sơ tuyển để được dự thầu. Vì vậy, để tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu thì không có cách nào khác là phải tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu. Để cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” thì trước tiên phải quan tâm đến vấn đề mua sắm tài sản công của các công trình, dự án, cơ quan nhà nước. Ông Bùi Kiến Thành, cho rằng: “ Cuộc vận động ưu tiên dùng hàng VN phải đi cho suốt. Các công trình lớn phải ưu tiên dùng hàng VN nếu hàng VN có thể cấp lượng đủ. Vì vậy, chúng ta phải đi suốt chặng đường là ưu tiên dùng hàng VN trong tất cả những gì mà các cơ quan nhà nước có thể dùng”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, khi gia nhập WTO, chúng ta cũng cố gắng sửa các luật để phù hợp với quy định của WTO và việc này cũng phần nào ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của hàng hóa trong nước. “Đã đến lúc rà soát lại những hệ lụy của nhập siêu mà chúng ta đã trải qua trong hơn 3 năm gia nhập WTO vừa qua. Hiện các DN đang thua ngay trên chính sân nhà” – Ông Biên chia sẻ.

Thiết nghĩ, để có thể đẩy mạnh sừ dụng hàng hoá, vật tư trong nước tại các công trình đấu thầu, ngoài việc xem xét lại Luật đấu thầu, Nhà nước cần ban hành quy định các DN trong nước khi thực hiện dự án phải nghiêm cấm nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước sản xuất được. Với các công trình điện, trong thời gian tới, khi nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu, phải có cam kết sử dụng các thiết bị mà VN sản xuất được, phải sử dụng nhân công trong nước.

Như vậy, có thể thấy, việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nhập siêu, tạo việc làm và gia tăng giá trị trong sản xuất công nghiệp. Vấn đề là cần thay đổi tư duy tiêu dùng cũng như bổ sung, hoàn thiện chính sách cho phù hợp chứ đừng chỉ hô hào chung chung.
 
Tiến sĩ Nguyễn Quang A :
 
Tôi cho rằng chúng ta phải quyết liệt giảm nhập siêu mới mong đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, nhìn lại những mặt hàng của ta sản xuất thấy rõ một đặc điểm, đó là có giá trị gia tăng thấp. Xuất nhỏ, nhập lớn nhưng giá trị gia tăng không lớn là những lý do khiến nền kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Những chính sách bất hợp lý về mua sắm tài sản công chính là thủ phạm tạo nên nhập siêu lớn. Thay đổi tư duy để họ có quan điểm sử dụng sản phẩm nội địa là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần phải “nâng cấp” DN. Chừng nào hàng VN chất lượng không tốt, giá không hợp lý thì người tiêu dùng không thể tìm đến.
 
Ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch HĐQT Cty Bia Sài Gòn :
 
Mỗi năm Cty đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng mua sắm thiết bị máy móc. Quá trình đầu tư, Cty cũng muốn DN trong nước tham gia nhưng có nhiều cái vướng.Các dự án đấu thầu trước đây của DN hầu hết do nước ngoài thực hiện. DN thực hiện không tốt chính sách bảo hành, hậu mãi các sản phẩm trong nước sản xuất. Sản phẩm trong nước sản xuất được khi hỏng DN tiêu thụ tìm đến nhà sản xuất rất khó. Nếu Chính phủ và Bộ Công Thương không có chính sách về ưu tiên mua sản phẩm trong nước khi thực hiện dự án, thì chủ DN sẽ rất khó quyết.
 
Ông Nguyễn Việt Đức – Phó Tổng giám đốc TCty Giấy VN :
 
Sở dĩ DN cơ khí VN chưa chiếm được thị trường rộng lớn trong nước là do marketing của ngành cơ khí thua các nước. Khi triển khai các dự án ngành giấy lớn, DN nước ngoài lập tức đến giới thiệu và đeo bám, trong khi chưa thấy nhiều DN trong nước quan tâm đến việc này.
24/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Trung Quốc gom hàng, nhiều loại thực phẩm trong nước lên giá
      Nhiều doanh nghiệp địa ốc chưa đầu tư cho thương hiệu
      Nước chấm bán với giá nước tương
      Trắng tay vì bán hàng đa cấp
      Bất động sản “liệt”: Cắt lỗ...vượt khó
      Thị trường hàng điện tử gia dụng: “Bánh ngon” sẽ thuộc về ai?
      Thiết kế Brochure thế nào để đạt hiệu quả cao?