Welcome
DN sẽ gia tăng giá trị nếu thực hiện TNXH hiệu quả
Đó là khẳng định của Ts. Richard Welford – Chủ tịch Trung tâm Trách nhiệm Xã hội của DN (CSR) châu Á tại cuộc họp Mạng lưới thành viên hiệp ước Toàn cầu Việt Nam lần thứ 3 mang chủ đề “Lồng ghép trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững vào DN” do VCCI phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 17/8/2010 tại Hà Nội. Những thành quả bước đầu

Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2010 của Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Việt Nam (GCNV) tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Vinh – Đại diện mạng lưới GCNV, Giám đốc Văn phòng DN vì sự Phát triển Bền vững (SD4B) thuộc VCCI cho biết: “Tính đến tháng 8/2010, GCNV đã kết nạp được 92 thành viên trong đó 55% là DN, 35% là các tổ chức phi Chính phủ, 10% còn lại là các Học viện, trường đại học và Hiệp hội DN”. Đây là những con số đáng khích lệ về mức độ thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đối với vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội.

Cuộc họp Mạng lưới thành viên hiệp ước Toàn cầu Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức mang chủ đề “Lồng ghép trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững vào doanh nghiệp”

Ông Vinh cho biết thêm, qua kết quả khảo sát CEO về phát triển bền vững, có tới 93% CEO tin rằng phát triển bền vững là yếu tốt quan trọng quyết định thành công của mỗi DN trong tương lai; 96% CEO cho rằng các vấn đề phát triển bền vững phải được lồng ghép hoàn toàn vào chiến lược kinh doanh, sản xuất của DN (chỉ số này chỉ đạt 72% vào năm 2007); và 91% CEO cho biết họ sẵn sàng áp dụng các công nghệ mới như tiết kiệm và sáng tạo ra nguồn năng lượng mới… 

Một trong những lý do đạt được kết quả khả quan đó là, ngoài việc tập trung phát triển tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn thực hành trách nhiệm xã hội (TNXH), tổ chức tập huấn định kỳ và xây dựng giáo trình giảng dạy về TNXH DN cho các trường đại học, GCNV còn hỗ trợ các công ty nhận định, tiên liệu và giải quyết những vấn đề quan hệ giữa DN với cộng đồng, DN với môi trường, DN với khách hàng, hỗ trợ DN phát triển bền vững. Ngoài ra, các DN trở thành thành viên của GCNV còn có cơ hội được hưởng những lợi ích như khách hàng sẽ đánh giá cao về DN của họ đồng thời nâng cao đạo đức, năng suất làm việc của nhân viên, thu hút và giữ được nguồn nhân lực tốt.
 
Giải pháp cải thiện TNXH

 
Mặc dù được đánh giá là đã hoàn thành nghiên cứu về các vấn đề trách nhiệm xã hội (TNXH) và đề xuất giải pháp, công cụ để giúp DN có thể lồng ghép vào chiến lược kinh doanh của mình một cách bền vững và hiệu quả nhất, tuy nhiên các chuyên gia tham dự hội thảo vẫn cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện rất nhiều trong các vấn đề này.

Phân tích về các vấn đề, thách thức TNXH, Ts. Richard Welford nhận định: “TNXH và phát triển bền vững đang là những vấn đề nóng hiện nay. Nhiều DN ở Việt Nam thường quan niệm rằng thực hành TNXH là phải chi phí chứ không phải là một khoản đầu tư dài hạn. DN sẽ gia tăng giá trị nếu đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì lợi nhuận và thực hiện TNXH hiệu quả”.

Do đó theo ông, Việt Nam cần xác định được các ngành nghề có tác động nghiêm trọng tới môi trường và xã hội để quản lý, các ngành nghề ít có các công cụ và cơ chế hỗ trợ để hướng dẫn và cung cấp các công cụ tự đánh giá cụ thể như ngành khai khoáng, ngành xây dựng và ngành chế biến thực phẩm.

Đối với 10 nguyên tắc về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực: quyền con người, tiêu chuẩn lao động, môi trường và chống tham nhũng, Ts. Richard Welford hướng dẫn cụ thể: Đối với quyền con người cần xây dựng trường hợp điển hình cho các hoạt động về quyền con người, đồng thời phát triển chính sách quyền con người và hệ thống hỗ trợ cho việc bảo vệ các quyền này. Bên cạnh đó phải có sự cam kết bởi các bên liên quan, đảm bảo công ty không đồng lõa với các vi phạm về quyền con người…Đối với lĩnh vực thứ 2, Ts. Richard Welford cho rằng phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho lĩnh vực lao động và dây chuyền cung ứng; đảm bảo cho công nhân được tiếp cận thông tin đầy đủ đồng thời phải có chính sách rõ ràng đối với lao động trẻ em, nếu phát hiện ra tình trạng lao động trẻ em cần hành động để đảm bảo lợi ích cho trẻ…

Còn theo Chủ tịch Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) châu Á:“Việt Nam được xem là quốc gia có đa dạng sinh học cao, xếp thứ 16 thế giới. Tuy nhiên, hệ sinh thái có mức đa dạng sinh học cao nhất lại đang bị suy giảm nghiêm trọng. Việt Nam còn đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động xấu của biến đổi khí hậu, nhất là dọc bờ biển. Trong khi đó hầu hết các DN trong nước lại xem việc bảo vệ môi trường là chi phí phí gia tăng mà họ không thể chi trả”. Để cải thiện tình hình trên, theo ông cần đánh giá lại rủi ro và các tác động của môi trường, cam kết giữa các bên liên quan và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường…

Ông cũng đề nghị đưa ra các quy tắc ứng xử về hối lộ và tham nhũng, hỗ trợ các sáng kiến nhằm chống lại các hình thức tham nhũng…khi Chính phủ Việt Nam cảnh báo nạn tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng và ngày càng trở nên phức tạp.  

Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc được hình thành từ năm 1999 và trở thành sáng kiến lớn nhất trên thế giới nhằm thúc đẩy CSR với sự tham gia của trên 7.000 thành viên từ 130 quốc gia tham gia mạng lưới, bao gồm các DN, tổ chức phi chính phủ, học viện, công đoàn. GCNV Việt Nam được thành lập năm 2007. GCNV là cơ quan điều phối được thành lập để xây dựng và triển khai các chiến lược và giải pháp cụ thể để khuyến khích cộng đồng DN Việt Nam tăng cường đối thoại và tuân thủ 10 nguyên tắc về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực: quyền con người, tiêu chuẩn lao động, môi trường và chống tham nhũng.

24/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Tương lai Internet nằm trong tay phụ nữ
      Thực phẩm hữu cơ vẫn tăng trưởng mạnh
      Tiêu dùng hàng Việt tăng
      Nhân lực quản trị doanh nghiệp: Tìm ở đâu?
      Bốn cách xây dựng niềm tin
      Thị trường Giáng sinh: Chuông rung là bán
      Dùng phần mềm quản trị, không dễ thành công