Welcome
Giải quyết tình trạng thiếu điện : Chỉ có cách tăng giá ?
Hiệp hội năng lượng VN (VEA) vừa có văn bản kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ xoá bỏ giá điện bậc thang và áp dụng hai loại giá điện, trong đó, ngoài giá điện có hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng nghèo, khó khăn, giá điện sẽ tính theo giá thị trường là 8 cent/kWh, tương đương 1.500 đồng, tăng gần 50% so với mức giá hiện nay. DĐDN có cuộc phỏng vấn ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch VEA xung quanh kiến nghị này.

Ông Ngãi cho rằng, hầu như năm nào chúng ta cũng thiếu điện nghiêm trọng, và tình trạng thiếu điện này nếu không có các giải pháp tốt thì sẽ còn kéo dài nhiều năm. Đặc biệt mỗi mùa khô đến ngành điện rất lo lắng bởi vì thiếu nguồn điện. Trong đó, hai lý do của tình trạng này là năng lực đầu tư còn hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài không ai tham gia.

8 cent… gọi NĐT nước ngoài

- Thưa ông, tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại không đầu tư vào điện, trong khi các dự án điện trong nước đều chậm tiến độ ?

Các dự án điện trong nước thực tế không những chậm tiến độ mà số lượng dự án được giao cũng không xây dựng được hết, lý do đều là thiếu vốn.

Sự thiếu vốn này chủ yếu là do giá điện thấp. Với giá điện hiện tại của VN vào khoảng 5,5 cent, thì không nhà đầu tư nước ngoài nào vào đầu tư. Yêu cầu của nước ngoài là cái giá tối thiểu khoảng 7 – 8 cent thì người ta mới có thể đầu tư vào các dự án điện của VN.

- Đây chính là lý do VEA kiến nghị đưa ra mức giá điện thị trường là 8 cent (tương đương 1.500 đồng), thưa ông ?

Ngoài lý do chỉ cần ở mức giới hạn ở 7 – 8 cent là nước ngoài đầu tư còn bởi dao động giữa 1.000 đồng/kWh với 1.500 đồng/kWh (sau khi tăng) chỉ là 300 – 400 đồng/kWh là không lớn, kể cả hạch toán vào giá thành sản xuất của DN.

- Để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư một mặt hàng “thiết yếu” của nền kinh tế liệu có đảm bảo được an ninh năng lượng ?

Ngành thép cùng với xi măng, hóa chất… là những ngành tiêu thụ điện năng rất lớn. Và việc tăng giá theo đề nghị này trước hết sẽ gây khó khăn rất lớn cho các ngành quan trọng . Vấn đề tăng hay giảm giá điện lúc nào cũng mang tính hệ thống tổng thể. Vì vậy cần phải cân nhắc kỹ.
 
Tôi hiểu ý bạn là sợ chúng ta phụ thuộc điện vào nước ngoài? Nhưng thực tế, ta đang đa dạng hóa ngành điện, để nước ngoài đầu tư thì có lợi rất nhiều vì họ giàu tiềm lực vốn, công nghệ, ký thuật… Và người ta “làm điện” thì người ta bán cho mình chứ bán cho ai, vì họ còn phải tính đến lợi nhuận nữa chứ. Còn mình cứ “lọ mo” làm thì tình trạng chậm tiến đô các dự án sẽ khó tránh khỏi.

- VAE có tính đến việc áp dụng hai loại giá điện theo kiến nghị của VEA sẽ kéo theo một loạt vấn đề phức tạp trong việc phân định đối tượng, đặc biệt là phân biệt các hộ có mức sống trung bình trở lên để áp dụng giá thị trường ?

Hộ nghèo do Bộ LĐ TB XH nắm được, còn lại cán bộ công nhân viên chưa xác định thì giao cho các Bộ điều tra.

Thực tế chứng minh thu nhập trong cơ quan cũng không có gì khó khăn, dễ thấy có nhiều người thu nhập hàng chục triệu như cán bộ ngân hàng, điện lực…

- Vậy ai sẽ trả tiền cho việc điều tra phân loại đối tượng sử dụng điện, thưa ông ?

Điện lực phải chịu. Còn việc điều tra giám sát thực hiện cần một cuộc cách mạng. Chúng tôi chỉ đặt ra hướng vĩ mô.

Đánh đổi giá cao để đủ điện

- Xét về tiêu thụ điện, thì các thành phố lớn và DN mới là những đối tượng tiêu thụ lượng điện lớn, và chịu sự tác động mạnh do giá điện tăng, thưa ông ?

Hiện mức sống của thành thị nói chung đã tăng lên rất nhiều, GDP tại các thành phố lớn cũng đã trên 2.000 USD. Tất nhiên trong thành phố cũng có người nghèo, nhưng người nghèo được hưởng giá điện theo hỗ trợ của Nhà nước.

Đối với những người sống khá giả việc tăng 300 – 400 đồng/ kWh không phải là vấn đề. Còn với DN thì việc mất điện nguy hiểm và thiệt hại lớn hơn nhiếu so với việc tăng giá như đề xuất. Đặc biệt những loại sản phẩm như xi măng, hoá chất, thép… mất điện là mất đi cả mẻ. Vì vậy chúng ta lấy tiêu chí thiếu điện hay đủ điện mà giá cao chấp nhận được?

- Như ông vừa phân tích ở trên, thì do giá thấp nên nhà đầu tư nước ngoài không thể đầu tư vào các dự án điện, tuy nhiên, thực tế, trong những năm qua, các tập đoàn, TCty lớn trong nước lại đua nhau lao vào đầu tư điện ?

Bởi vì đó là các tập đoàn của Nhà nước, họ kinh doanh không có lãi, hoặc lợi nhuận thấp, nhưng vì nhiệm vụ chính trị buộc họ phải làm. Nếu tính giá điện bình quân cả thuỷ điện, nhiệt điện và chạy dầu thì giá bình quân của chúng ta hiện là 5,5 cent. Với mức đó thì tỷ suất lợi nhuận của EVN – DN nòng cốt của ngành điện chỉ khoảng 2 – 3 lần  là rất thấp.

Điều đó có nghĩa là người cho vay tiền sẽ e ngại, trong khi đó các tổ chức tín dụng, các NH của VN không đủ tiền cho ngành điện vay, bởi riêng ngành điện cần hàng trăm tỷ USD.  Từ nay đến 2015 riêng EVN cần 100 tỷ USD, PVN cần 100 tỷ, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản cũng cần 6 – 70 tỷ, Sông Đà cần 4 – 50 tỷ… Vậy kiếm đâu ra hàng trăm tỷ USD chỉ trong mấy năm ?

Vì vậy, muốn vay nước ngoài các DN ngành điện phải chứng minh được tỷ suất lợi nhuận, khả năng trả nợ, khấu hao đầu tư… Và thực tế, các dự án điện của các nước trên thế giới điều do nước ngoài đầu tư. Và trong tình hình hiện nay thì tỷ suất lợi nhuận phải 5 – 6 lần trở lên thì các nhà đầu tư nước ngoài mới vào.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại thuỷ điện của chúng ta chiếm tỷ lệ cao, khoảng 50 – 60%, mà giá thuỷ điện lại rẻ, tại sao lại tăng giá ?

Thực tế lãi lợi nhuận từ thuỷ điện cũng không lãi cao, bởi thuỷ điện giá thành đầu tư 3 – 4 cent, bán ra cũng 5,5 cent, chỉ lãi 1,5 cent. Nhưng điều quan trong nó chỉ được một mùa mưa chứ mùa khô là rất khó khăn. Mùa khô vừa rồi là một ví dụ. Vì vậy đừng đánh giá riêng thuỷ điện mà cần đánh giá bình quân của ngành điện để so sánh.

-  Chả lẽ không có lý do về quy hoạch điện, thưa ông?

Quy hoạch lại là một nhẽ khác. Tôi chưa đề cập đến tổng sơ đồ. Ví dụ tổng sơ đồ giai đoạn VI gồm 13 dự án nhiệt điện chạy than với công suất 13.800 kWh, đáng lẽ 13 dự án này từ nay đến 2015 là phải xong nhưng vì không có vốn nên trong 13 dự án chỉ mới có Tập đoàn Dầu khí khởi công và đang thi công dự án Vũng Áng. Và gần đây EVN khởi công dự án Vĩnh Tân 2. Còn 11 dự án đang đắp chiếu chưa triển khai do chưa có vốn.

Tôi dám chắc nếu áp dung giá điện 7 – 8 cent chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào rất nhiều, họ có thể vào nhiều hình thức BOT, BOO…  nhưng chủ yếu là BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao).

Tại sao những người bán điện là EVN lại không nhìn ra vấn đề và chủ động kiến nghị?

Họ nhìn ra được nhưng họ không nói đựơc. EVN, PVN… đều là thành viên của VEA. VEA là tổ chức phi chính phủ có quyền phản biện về đường lối chính sách chủ trương của Chính phủ. Nhưng trước khi chúng tôi đưa ra kiến nghị này chúng tôi đã tổ chức hội thảo quốc tế chứ không tự ý đưa ra.

Hội thảo này gồm những chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, các nhà khoa học, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, kể cả Ngân hàng thế giới, và tất cả các tập đoàn kinh tế, các TCty trong ngành năng lượng đều tham gia đóng góp ý kiến. Và 100% người biểu quyết nhất trí kiến nghị như vậy.

- Như vậy, tăng giá điện là lối thoát duy nhất để giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay ?

Lật đi lật lại các văn bản chúng tôi nêu đầy đủ và cuối cùng chốt lại để giải quyết tình trạng thiếu điện chỉ có cách duy nhất là phải tăng giá điện. Và ngành điện không nên duy trì quá dài việc giá bao cấp. Bởi đi đôi với nó là giá than, giá khí… cũng bao cấp. Tình trạng bao cấp tràn lan trong khi giá cả đều trượt giá là rất vô lý.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, giá điện có đắt một chút nhưng sự mất điện còn nguy hiểm hơn nhiều, sự thiệt hại lớn hơn rất nhiều. Điều quan trọng nữa, nếu được hưởng giá rẻ mãi thì lãng phí, nếu tăng giá thì cá nhân, DN… điều phải tiết kiệm điện. Đó là một trong những ích lợi do tăng giá mang lại.

- Điều này có là lý do nguỵ biện cho việc ngành điện không thể đáp ứng đủ điện trong nhiều năm qua, thưa ông ?

Chúng ta cần có khái niệm mới về giá chứ không nên giữ nguyên giá cũ, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và nền kinh tế. Việc cò kè 300 – 400 đồng/kWh trong khi để mất hàng trăm, hàng nghìn tỷ cho sản xuất kinh doanh do thiếu điện. Hãy so sánh cái đó.

- Nhưng điện là một mặt hàng “nhạy cảm”, việc tăng giá sẽ tác động lớn kéo theo việc tăng giá nhiều mặt hàng khác, đặc biệt những mặt hàng công nghiệp chủ lực của nền kinh tế?

Thực tế so với khu vực là giá điện của VN cũng đang rất rẻ. Chẳng hạn như Campuchia là 17.000đ/kWh, Indonesia, Malaysia cũng 14 – 15.000đ/kWh, Nhật Bản cũng trên 10.000đ/kWh chứ VN có 1.500 đồng đã bõ bèn gì.

Việc tăng giá điện sẽ kéo theo giá than và một số giá mặt hàng khác tăng. Nhưng việc tăng giá sẽ giúp cho ngành than không bị lỗ. Chỉ ví dụ việc Chính phủ yêu cầu năm 2015 ngành than phải đáp ứng 100 triệu tấn than, trong khi hiện nay mỗi năm chỉ là 50 triệu tấn. Muốn đầu tư khai thác phải đầu tư hầm lò 4- 500 m, tốn hàng tỷ USD… Nếu không có vốn thì lấy đâu ra kinh phí đề đầu tư.

Tất nhiên, việc tăng giá cũng đồng nghĩa chúng ta phải “chịu đựng” để có bước đột phá. Rồi chúng ta sẽ không còn cảnh thiếu điện, thiếu than, thiếu khí… Lợi ích cho người dân và đất nước sẽ ổn định và lâu dài.

Nhiều thử thách

- Một câu hỏi rất cũ, nhiều người cho rằng nguyên nhân sự trì trệ trùng trình trong các dự án điện không chỉ là vốn mà do ngành điện độc quyền. Ý kiến của ông về vấn đề này ?

Ngành điện không độc quyền gì mà do lịch sử để lại. Từ xưa đến nay có ai làm điện đâu. Chỉ độc nhất EVN, 3 – 4 năm lại đây có thêm PVN, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản, TCty Sông Đà, nhưng mấy DN đó chỉ sản xuất nhà máy thôi chứ còn hiện tại phân phối bán buôn bán lẻ do EVN. Do vậy họ không độc quyền sao được.

Tuy nhiên, không thể nói họ độc quyền về giá vì giá do Chính phủ quy định chứ không phải do EVN quy định.

Theo lộ trình do Chính phủ vạch ra có ba cấp độ để mở thị trường. Từ nay đến 2015 bắt đầu thị trường hoá về các nguồn điện. Tách các nhà máy điện ra để độc lập và tổ chức bán buôn. Cấp độ 2 là thị trường bán buôn. Cấp độ 3 là thị trường bán lẻ. Đến năm 2022 là thị trường hoá toàn bộ ngành điện và khi đó EVN không độc quyền nữa mà chỉ chiểm khoảng 30 – 40%.

Tuy nhiên, hiện ngành điện đang độc quyền trong phân phối điện, và thất thoát điện năng cũng từ đây mà ra?

Thất thoát trong ngành điện có 2 loại là thất thoát kỹ thuật (do đường dây, hệ thống truyền tải…) và thất thoát thương mại (do ăn trộm điện). Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận tỷ lệ thất thoát của ngành điện những năm gần đây cũng đã giảm rõ rệt, chỉ còn 7 – 8%, so với trước kia có lúc lên tới 20%.

Nếu không tăng giá thì quy hoạch điện lực sẽ rất khó thực hiện, thậm chí rủi ro rất cao, tình trạng thiếu điện sẽ tiếp tục tiếp diễn và thậm chí ngày càng nặng nề hơn.

- Thưa ông, quay trở lại những lần EVN kiến nghị tăng giá điện, ông luôn là người đưa ra những phản biện sắc sảo về việc tăng giá điện, nhưng lần này thì VEA lại có một kiến nghị “mạnh bạo”?

Tôi có phản biện nhưng các thời điểm đó tôi chưa thử thách được mùa khô, mùa nắng nóng vừa rồi, chưa có năm nào thử thách về điện đến mức kinh khủng như vậy.

- Theo ông những kiến nghị mà VEA gửi lên liệu có thành hiện thực ?

Chuyện đồng ý hay không tôi không khẳng định được nhưng tôi nghĩ những người có tầm nhìn xa, làm việc có lợi cho nước, cho dân thì những vấn đề chúng tôi kiến nghị sẽ được xem xét thoả đáng.

- Xin cảm ơn ông!

18/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      HONDA
      Chuyện làm ăn giới ngân hàng: Lớn, nhỏ và..."to xác"
      Thay đổi nhận diện thương hiệu: Chuyện từ Bảo Việt Nhân thọ
      Lỗi thời chuyện… sơn đâu cũng đẹp
      Electrolux – Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới
      Lãi suất qua đêm chỉ còn từ 6,6% - 7,6%/năm
      Lo sợ khi ăn giá