Welcome
Hàng nội chưa được "ưu tiên"?
Đã hơn một năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, song nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn phải khoanh tay đứng nhìn các dự án mua sắm công, đấu thầu công trình lớn rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài.
Tại tọa đàm bàn về một số giải pháp thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, được tổ chức sáng 6/8, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nêu ra một thực trạng: thời gian qua, việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong các dự án sử dụng vốn nhà nước vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, hàng hóa nước ngoài thường được ưu tiên và nhà thầu ngoại thường thắng.

Một mặt là do hồ sơ mời thầu của các dự án lớn thường được giao cho tư vấn nước ngoài soạn thảo. Các tiêu chuẩn được đưa vào hồ sơ được sao chép từ các hồ sơ được đánh giá là “đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”. Theo đó, ngay các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm đến năng lực nhà thầu đều thiên về các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước rất khó vượt qua dù chỉ là vòng sơ tuyển.

Đối với các gói thầu với quy mô nhỏ hơn, việc soạn thảo hồ sơ có phần nào “mềm” hơn và một số doanh nghiệp Việt Nam có thể tham dự, thì lại vướng phải vấn đề chi phí lập hồ sơ đúng tiêu chuẩn và chi phí “quan hệ”.

Với cơ chế như hiện nay, theo nhiều báo cáo từ các cơ quan của Chính phủ, thất thoát chi tiêu công là rất lớn, có những trường hợp lên đến 30%. “Tỷ lệ chi phí “quan hệ” quá cao đã khiến cho cơ hội chỉ “ngả” về phía đơn vị có khả năng tiềm lực tài chính. Các nhà thầu nước ngoài vì thế mà lấn át các nhà thầu trong nước”, ông Thành đánh giá.

Ông Thành cũng mong mỏi Thủ tướng sẽ có văn bản chỉ đạo việc dùng hàng Việt trong đấu thầu, trong mua sắm từ cơ quan trung ương tới địa phương để ưu tiên cung ứng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.

Bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội thì đưa ra con số hiện có 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang làm tổng thầu, hoặc liên quan đến tổng thầu của 41 dự án trọng điểm quốc gia.

Các nhà thầu này đã mang sang Việt Nam từ chiếc bu lông ốc vít, đến nhân công nên rất ít mua hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước. Do vậy, bà Loan cho rằng, trong cuộc cạnh tranh không cân sức này nếu không có sự hỗ trợ, các doanh nghiệp nội địa sẽ rất khó đứng vững.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn nhận, để cuộc vận động thực sự ăn sâu, bám rễ vào suy nghĩ của mọi thành phần trong xã hội cần phải có thời gian vài năm, chứ không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều. Bên cạnh đó hàng hóa trong nước cũng phải phong phú hơn, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, uy tín chất lượng thì người tiêu dùng mới không quay lưng lại.
 
 
16/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      5 cách để tối ưu hoá tác dụng của các kênh bán hàng trực tuyến cho các sản phẩm cao cấp
      Phương pháp gây dựng thương hiệu LG ở Mỹ
      Thương hiệu thực phẩm hàng đầu thế giới có mặt tại VN
      Thương hiệu xanh là yếu tố chính để tăng trưởng doanh thu
      Bù lỗ 400 - 500 đồng/lít xăng, dầu từ Quỹ bình ổn
      Siêu thị Metro tính giá sai cho khách hàng
      Thích nghi theo kỳ vọng của khách hàng