Welcome
Thị trường xe máy: Tập trung khai thác thị trường nội
Trong số 45 triệu euro mà Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) mới công bố cho Công ty Piaggio & C.S.p.A vay để mở rộng sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ, phần dành cho Việt Nam trị giá 15 triệu euro. Đó là thông tin rất lạc quan trong bối cảnh nguồn đầu tư nước ngoài đang có chiều hướng suy giảm.
 
Vespa đang làm mưa làm gió trên thị trường xe tay gas cao cấp tại Việt Nam

Tuy nhiên, trước khi khoản cho vay này được công bố, nhà máy đặt tại KCN Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) của Piaggio Việt Nam đã nâng công suất từ 50.000 xe/năm ban đầu lên tới 100.000 xe/năm từ tháng 11/2009. Trước đó vào tháng 6/2009, chiếc xe Vespa LX đầu tiên sản xuất tại Việt Nam đã chính thức được tung ra thị trường sau khi doanh nghiệp này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy xe máy với số vốn đầu tư ban đầu là 30 triệu USD.

Màu mỡ thị trường nội địa

Cuối năm ngoái khi tới Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Piaggio, ông Roberto Collanino cũng đã công bố về kế hoạch mở rộng sản xuất nhà máy tại Việt Nam và việc chuyển trụ sở khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ Singapore về Việt Nam. Lý do chính được đưa ra là lượng xe máy tiêu thụ của thị trường Việt Nam mỗi năm trên 2 triệu chiếc.

Dĩ nhiên, yếu tố dân số trẻ ở thị trường Việt Nam cũng là một điểm rất quan trọng, bởi đối tượng khách hàng chính của Piaggio hiện nay là giới trẻ, ưa thích trào lưu mới và đặc biệt thích thể hiện mình qua những sản phẩm có tính thời trang và đắt tiền.

Chỉ sau 3 tháng kể từ ngày bán chiếc xe sản xuất tại Việt Nam đầu tiên, Piaggio Việt Nam công bố đạt 10.000 xe xuất xưởng và tiếp theo là con số 22.300 xe được bán ra trong năm 2009, tức là bình quân khoảng 3.500 – 4.000 chiếc/tháng. Còn năm 2010, kế hoạch đặt ra là xuất xưởng hơn 50.000 xe từ nhà máy ở Việt Nam và đạt doanh thu khoảng 72.000 xe, nghĩa là bao gồm cả một lượng lớn xe nguyên chiếc nhập khẩu.

Bên cạnh tham vọng chuyển trụ sở khu vực về Việt Nam, Piaggio còn có kế hoạch thành lập một trung tâm kỹ thuật tại nhà máy Piaggio Việt Nam, một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) sản phẩm phù hợp với nhu cầu, văn hóa của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Dĩ nhiên, kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm “made in Vietnam” sang các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Lào, Philippines, Nhật Bản và Australia cũng được lãnh đạo tập đoàn này đề cập tới. Nhưng không chỉ có người đến sau như Piaggio mới nhìn thấy tiềm năng của thị trường xe máy ở Việt Nam. Trước khi khoản vay của Piaggio được thông báo, thị trường xe máy trong nước cũng đã chứng kiến kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất thêm 500 nghìn xe/năm nữa của Honda Việt Nam, đạt tới 2 triệu xe/năm.

Trước đó, năm 2009, nhà sản xuất xe máy lớn nhất Việt Nam này đã đạt mức bán ra thị trường là 1,43 triệu chiếc xe máy so với công suất sản xuất là 1,5 triệu chiếc/năm. Với mức tăng trưởng 18% của năm 2009 – năm được xem là khó khăn với nền kinh tế – thì có thể thấy việc mở rộng nhà máy của Honda Việt Nam là tất yếu.

Xa hơn nữa, vào tháng 8/2008, với việc khánh thành nhà máy thứ 2 có công suất 500.000 xe/năm với quy mô đầu tư khoảng 65 triệu USD, năng lực sản xuất xe máy của Honda Việt Nam đã đạt 1,5 triệu chiếc/năm. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 năm đưa nhà máy mới này vào hoạt động, HVN đã phải quyết định đầu tư mở rộng để nâng tổng công suất lắp ráp xe máy tại Việt Nam. Điều này cho thấy cơ hội gặt hái thành công trên thị trường xe máy nội địa là rất lớn, đặc biệt là với những nhà sản xuất có tên tuổi và am hiểu thị trường như HVN.

Lắt lay thị trường xuất khẩu

Trong khi thị trường nội địa đang bừng bừng khởi sắc và được các hãng nhiệt tình mở rộng đầu tư thì thị trường xe máy xuất khẩu rất im lìm.  Báo cáo tổng kết năm 2009 của Honda Việt Nam hầu như không đề cập đến thị trường xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp này từng là nhà sản xuất xe máy đầu tiên ở Việt Nam có sản phẩm xe máy xuất khẩu ra nước ngoài, khởi đầu là thị trường Philippines.

Bên cạnh xe máy xuất khẩu từ năm 2002, vào năm 2003, Honda Việt Nam cũng tiến hành xuất khẩu phụ tùng xe máy sang các nước trong khu vực là Philippines, Lào, Malaysia, Campuchia. Tới năm 2006, Honda Việt Nam cũng trở thành doanh nghiệp được biểu dương có thành tích xuất khẩu tốt với doanh số cộng dồn là khoảng 125 triệu USD từ hơn 200.000 xe máy và khoảng 2 triệu phụ tùng.

Tuy nhiên, kể từ đó không có bất kỳ thông tin về xuất khẩu xe máy hay phụ tùng, linh kiện nào của Honda Việt Nam được đưa ra. Ngay cả thống kê của Bộ Công Thương về xuất khẩu cũng không có số liệu về mặt hàng xe máy hay linh kiện xe máy, trong khi kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này vào thị trường Việt Nam ngày càng tăng.

50.000 xe Piaggio sẽ được xuất xưởng từ nhà máy ở Việt Nam trong năm 2010

Theo các chuyên gia, thị trường xe máy Việt Nam quá màu mỡ và các nhà đầu tư chẳng cần phải nhọc công tìm kiếm thị trường khác. Đơn cử như Honda Việt Nam, dòng xe được xuất khẩu là Wave Alpha, được xem là có giá trị thấp nhất trong tất cả các dòng xe mà Honda Việt Nam đã từng sản xuất. Trong khi đó, dòng xe bán chạy nhất của Honda là xe tay gas hoặc các loại xe đắt tiền mà giá bán ít nhất cũng gấp đôi giá xe Wave Alpha. Đó là chưa kể ở một số thị trường xuất khẩu của Honda Việt Nam, xe máy không được ưa chuộng vì giá ôtô quá rẻ.

Xa xưa hơn nữa, khi các doanh nghiệp Việt Nam còn tham gia làm xe máy đông đảo thì thị trường chính được “hân hoan khai phá” là châu Phi chứ không phải các nước lân cận Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với các điều kiện cách trở về địa lý khiến cho chi phí vận chuyển bị đội lên nhiều, thị trường chưa phát triển khiến cho thanh toán gặp khó khăn, nhu cầu người tiêu dùng không lớn và đặc biệt là sản phẩm xe máy của Việt Nam không phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu và vóc dáng của người tiêu dùng châu Phi nên xuất khẩu xe máy của các doanh nghiệp cũng nhanh chóng lụi tàn.  

Trúc Mai

Theo dddn.com.vn

13/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam - Pakistan trong lĩnh vực chè
      Tái thiết kế thương hiệu - Tình huống Ngân hàng ANZ
      Cái khó đang dồn lên doanh nghiệp nhỏ
      Chuyện làm ăn giới ngân hàng: Lớn, nhỏ và..."to xác"
      4 chìa khóa xây dựng thương hiệu dịch vụ đúng cách
      Giá nông sản dưới sức ép đầu cơ tài chính
      Liên kết các nguồn lực để tăng hiệu quả