Welcome
Tạo thương hiệu cho nông sản miền núi: Vẫn còn khó
Ở vùng cao, xây dựng thương hiệu cho nông sản đang được nhiều địa phương quan tâm bởi nó mang lại nhiều lợi ích.
Khi đã có thương hiệu, sản phẩm làm ra được nhiều người biết đến, tin tưởng, bán với giá cao hơn. Người sản xuất có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện. Sản phẩm có thương hiệu cũng là một cách quảng bá cho địa phương, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi không phải việc dễ dàng. Nhất là khi nhận thức về sản xuất hàng hoá và xây dựng thương hiệu chưa thực sự chuẩn xác.
 
Sản phẩm có thương hiệu cũng là một cách
quảng bá du lịch cho địa phương
                                                                                Ảnh: Việt Hòa
  
Với ưu điểm là dẻo, thơm và đậm, gạo Séng Cù ở huyện Mường Khương (Lào Cai) được tỉnh Lào Cai đăng ký thương hiệu hàng hoá năm 2006. Từ khi được đăng ký thương hiệu, số lượng gạo tiêu thụ tăng gấp 3, gấp 4. Giá bán từ 18 nghìn đồng/kg trở lên. Có gia đình thu nhập từ trồng giống lúa này lên tới 50 triệu đồng/năm. Thương hiệu đã góp phần nâng cao mức sống cho bà con.

Tuy nhiên, không phải vùng nào, địa phương miền núi nào cũng tạo được thương hiệu bền vững cho nông sản. Nhà chị Triệu Thị Bình ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã từng trồng nhiều giống cây mới nhưng chị Bình chưa thấy giống nào dễ trồng và hiệu quả như giống măng Bát Độ. Trung bình mỗi vụ, mỗi gốc cho thu hoạch gần 10 tạ. Giá bán từ 4 nghìn đến 6 nghìn/kg. Chị Bình cho biết: “Giống măng này dễ trồng lại không mất công chăm sóc, cứ đến vụ là thu hoạch. Măng ngon, năng suất lại cao nên bán rất chạy. Nhiều người tìm đến để mua. Cũng rất mong nhiều người biết đến hơn nữa để bán được hàng nhiều hơn”.

Nhưng khi giống măng Bát Độ bắt đầu có tiếng trên thị trường thì bà con ở đây lại thi nhau đi mua giống về trồng tràn lan. Trong khi loại măng này không phát triển được ở những vùng đất quá dốc. Kết quả là uy tín của sản phẩm bị giảm đi nhiều bởi măng bị còi và ăn không ngọt. Người mua giảm, giá bán giảm, người dân lại nhổ măng để trồng cây mới. Mong muốn “có thương hiệu” để bán được nhiều hàng hơn của chị Bình không thể trở thành hiện thực. Không thể mang sản phẩm của địa phương này sang trồng ở địa phương khác, cho dù nó chỉ nằm trong 1 huyện là bài học mà các huyện miền núi Phú Thọ đã rút ra.
 
Người dân chưa chú trọng đến việc tạo dựng thương hiệu
 cho sản phẩm nông sản của mình
                                                                           Ảnh: V.L
 
 Không chỉ bản thân người dân thờ ơ đến tạo dựng thương hiệu mà chính quyền nhiều địa phương cũng không quan tâm. Sản phẩm gạo Điện Biên có tiếng từ lâu, được coi là đặc sản địa phương. Nhưng cho đến nay, gạo Điện Biên vẫn chưa được đăng ký thương hiệu. Tỉnh cũng chưa có một chính sách hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm hợp lý đối với người nông dân nên đầu ra không có, người dân không dám sản xuất lớn.

Cũng đã có những địa phương chủ động quảng bá sản phẩm của mình nhưng quy mô và tính chất  nhỏ lẻ và chưa đủ sức thuyết phục. Hoặc một số địa phương khác thì lại quá chú tâm vào xây dựng thương hiệu cho 1 sản phẩm, không quan tâm đến những sản phẩm khác nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông sản ở địa phương.

Theo khảo sát của Trung tâm phát triển nông thôn thuộc Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, các tỉnh miền núi phía Bắc có tới 200 nông sản đặc sản. Tính bình quân thì mỗi tỉnh có từ 12 đến 15 sản phẩm. Nhưng sản phẩm được đăng ký thương hiệu rất ít. Chính điều này đã làm cho nông sản miền núi có nguy cơ bị mai một, thậm chí bị lợi dụng tên gọi.
09/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Thị trường xe máy: “Ngoại” lặng sóng, “nội” dập dồn
      Cơn sốt đất ở Ba Vì: Nghịch lý của sự quản lý
      Hỗ trợ hàng Việt “phủ sóng”
      Energizer – Mang lại sức sống cho các thiết bị điện tử
      Khơi dòng vốn để phục vụ cho đầu tư phát triển
      Thời của quy mô và công nghệ
      Chỉ có thể là Heineken