Welcome
'Thổi' thương hiệu bằng nhân viên
Cậu thanh niên thích thú dán đề can logo công ty lên xe của mình. Một nữ nhân viên bất cứ khi nào có dịp đều khoe về môi trường, văn hóa công ty với bạn bè. Cả hai đều thể hiện sự yêu quý và tự hào về công ty của họ.
Khách hàng nhận biết và tin tưởng một thương hiệu đa số bắt nguồn từ lần tiếp xúc đầu tiên với sản phẩm, dịch vụ mà nhân viên là người trao cho họ. Vậy, để nhân viên tin yêu và tự hào về thương hiệu công ty để “lan truyền” đến khách hàng thì chính ban lãnh đạo phải giúp họ thấu hiểu về sản phẩm, về văn hóa công ty cũng như những yếu tố cấu thành nên thương hiệu.
 
Trong công tác xây dựng thương hiệu của công ty, nhân viên kinh doanh hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng là những người tiên phong bởi họ trực tiếp làm việc và phục vụ khách hàng. Thế nên, nhóm nhân viên này cần được đào tạo kỹ lưỡng, chuyên nghiệp.

Hãy nhìn cách nói chuyện cộc lốc, thiếu quan tâm của nhân viên kinh doanh khi trình bày với khách hàng về sản phẩm, thái độ thờ ơ của nhân viên giao dịch hay sự mất bình tĩnh của nhân viên chăm sóc khách hàng khi nhận lời phàn nàn của khách hàng... Tất cả những điều này sẽ đem về một điểm trừ to tướng về thương hiệu công ty.

 
Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu còn đồn xa hơn. Chỉ cần nhân viên của bạn mắc những lỗi tương tự như vậy thì thương hiệu công ty sẽ mất dần theo thời gian.

Xây dựng thương hiệu nội bộ

Bên cạnh các kênh thông tin về quảng bá thương hiệu gắn liền với các biểu trưng logo tại khu vực cộng đồng; quảng cáo trên truyền hình - báo chí; tổ chức sự kiện... thì việc xây dựng thương hiệu nội bộ là rất quan trọng.

Việc tạo ra mối liên kết giữa thương hiệu với nhân viên trong công ty sẽ tạo nền tảng vững chắc để phát triển thương hiệu mạnh ngoài thị trường. Lãnh đạo công ty cần có những kế hoạch rõ ràng trong tuyển dụng, đào tạo nhân viên đảm bảo văn hóa cá nhân phù hợp với tính cách, văn hóa công ty. Chú ý những nguyên tắc sau:

- Thẳng thắn, trung thực khi truyền thông thương hiệu đến nhân viên. Đó không chỉ là phương pháp xây dựng lòng tin với thương hiệu mà còn giúp cho nhân viên cảm thấy mình người quan trọng trong chiến lược phát triển công ty. Điều này là cơ sở để xây dựng lòng tin và thiện chí của khách hàng, đối tác sau này.

- Rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên với ban lãnh đạo, nhân viên với nhân viên bằng những chương trình, hội thảo hoặc những dịp như tôn vinh nhân viên nỗ lực, ngày hội nhân viên... Đây là cơ hội để ban lãnh đạo chia sẻ định hướng phát triển thương hiệu và hoạch định thực hiện.
 
Trong các hội thảo, ghi nhớ nên dành thời gian lắng nghe nhiều hơn bởi đây là dịp nhân viên chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình trực tiếp làm việc với khách hàng. Chính trong những buổi nói chuyện như vậy, đội ngũ bán hàng sẽ giúp các nhà quản lý có được những ý tưởng mới về xây dựng thương hiệu.

- Khen thưởng những nhân viên xuất sắc trong phát triển thương hiệu công ty: đó là những người có sáng kiến hiệu quả, những ý tưởng hay cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu; hoặc là nhân viên tạo được hiệu quả công việc từ sự nhiệt tâm và hết lòng vì khách hàng…

Để kết lại bài viết này, tôi chia sẻ hai trong số những câu chuyện về xây dựng thương hiệu công ty từ nhân viên mà tôi khá tâm đắc.

Câu chuyện thứ nhất: Tại một cửa hàng thức ăn nhanh ở bang Florida (Mỹ), nhằm làm hài lòng vị khách yêu cầu loại thức uống mà cửa hàng vừa bán hết, một nhân viên phục vụ đã đi bộ 5 phút để mua về lon Diet Coke. Lon nước được đặt trên bàn trong sự ngỡ ngàng và biết ơn của vị khách hàng… Về sau, anh chàng đó trở thành người quản lý chuỗi các cửa hàng McDonald’s tại bang này.

Câu chuyện thứ hai: Một nhân viên thu ngân đã đem về cho siêu thị nơi mình làm việc một hợp đồng cung ứng nội thất trị giá vài triệu đô la chỉ bởi cô đã vô tình “ghi điểm” khi trả tiền giúp một vị khách - con trai một doanh nghiệp lớn đang có ý định tìm đối tác cung cấp nội thất mới cho công ty.
 
04/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Không được sử dụng nhãn hiệu hàng không nước ngoài
      Từ 1.7: doanh nghiệp nhà nước kê khai vàng, ngoại tệ gửi ngân hàng
      Mất nhãn hiệu là mất thị trường
      Kinh doanh Tết 2012
      Nike, Hyundai, ESPN dẫn đầu danh sách
      Nghịch lý xứ Phù Tang
      "Cái chết" của những thương hiệu nổi tiếng