Welcome
Bỏ trần lãi suất: Quả bóng trong chân ai?
Một lần nữa, khi nguồn thanh khoản trong nền kinh tế đang gặp khó khăn, những ràng buộc của quy định về trần lãi suất lại đang làm lao đao hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp Việt Nam. Họ lao đao vì phải vừa làm ăn, vừa lách luật.

Hầu như ngân hàng nào cũng vượt rào, kể cả ngân hàng quốc doanh, vì nếu không, dòng vốn quý giá từ các khách hàng gửi tiền trung thành của họ sẽ sẵn sàng chạy sang các ngân hàng khác, những ngân hàng đang thủ sẵn nhiều chiêu thức thu hút tiền gửi mới mẻ để vừa có thể, về hình thức, vẫn có vẻ tuân thủ quy định về trần lãi suất huy động (10,5%), vừa có thể hấp dẫn người gửi tiền bằng cách tặng cho họ những quyền lợi vật chất - kể cả bằng tiền - xem như khuyến mãi nhưng thực chất là nâng lãi suất huy động vượt trần.

Huy động nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng trong tình hình này cũng có mức lãi suất cao tương ứng và không hề dễ dàng, khi Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt tiền tệ, không sẵn sàng cung tiền trên thị trường mở với mức lãi suất cơ bản vừa nâng lên 8% vì e sợ bóng ma lạm phát đang lởn vởn trong những tháng đầu năm 2010.

Chưa hết, khả năng thu hút tiền gửi của hệ thống ngân hàng thương mại còn đang bị cạnh tranh bởi lãi suất trái phiếu chính phủ lên đến 12%, một mức lãi suất khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng nhưng vẫn chỉ đạt tỷ lệ phát hành thành công 60% so dự kiến, cho thấy một thực tế hiển nhiên hiện nay về tình trạng khan hiếm thanh khoản nhất định trên thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn.

Với những biến động đang xảy ra trên mặt bằng giá trong nền kinh tế và với những dự báo khá rõ nét về tình hình lạm phát đang xảy ra, người gửi tiền có quyền đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn cho đồng tiền gửi của họ.

Tìm cách lách luật

Khi chi phí huy động nguồn vốn phải bắt buộc vượt trần, việc yêu cầu các ngân hàng thương mại tuân thủ mức trần lãi suất trong việc cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp và cá nhân là điều không thể.

Ở đây, lại một lần nữa, chúng ta chứng kiến việc lách luật. Các ngân hàng thương mại vẫn công bố lãi suất tín dụng chạm trần là 12%, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn vay ở mức lãi suất này, đơn giản vì những người có thể cho họ vay - các ngân hàng - đã phải mua nguồn vốn đó với giá 12%.

Như vậy, để được vay, doanh nghiệp phải trả lãi suất cao hơn dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy chiêu thức lách luật của mỗi ngân hàng thương mại, và trong nhiều trường hợp, lãi suất cho vay trên thực tế có thể lên đến 18%/năm.

Về tình hình này, chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.HCM đã thừa nhận: “Ngân hàng nào cũng phải chạy đua giành khách hàng gửi tiền, lãi suất tiết kiệm bị đẩy lên tới xấp xỉ 11%/năm chưa kể quà tặng, khuyến mãi. Nếu cho vay mức lãi suất 12%/năm thì cầm chắc thua lỗ, nên ngân hàng nào cũng phải tìm cách lách”.

Còn về phía doanh nghiệp, một lãnh đạo công ty bức xúc: “Kể cả được thỏa thuận (lãi suất tín dụng) đi nữa, thì ngân hàng vẫn có thể đơn phương quyết định lãi suất vay vốn bởi họ luôn ở vị trí “cửa trên”.

Mặt khác, vị này còn cho rằng cơ chế hiện hành làm méo mó quan hệ, hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp, ông lý giải: “Một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả của một dự án là tỷ suất thu hồi vốn phải cao hơn lãi suất ngân hàng. Kết quả đánh giá này chỉ có ý nghĩa khi các ngân hàng thương mại vận hành theo đúng hành lang pháp lý. Nhưng hiện nay có tình trạng lãi suất cơ bản một đằng, lãi suất thị trường lại một nẻo, nên việc đánh giá đó sẽ dễ bị lệch lạc”.

Điều nghiêm trọng là cách làm chui rào đã trở thành phổ biến sẽ làm mất tính công khai minh bạch rất thiết yếu trong tài chính doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trung Thành, giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế An Phát than thở:

“Nếu có một mặt bằng lãi suất chung, công khai, minh bạch, doanh nghiệp sẽ tính được chi phí đầu vào, đầu ra - ở mức khách hàng chấp nhận được. Nhưng nay phải cộng thêm đủ loại phí mà đa phần không đưa được vào hệ thống sổ sách, không được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ, khó trình bày với cơ quan thuế và cũng khó “ăn nói” với khách hàng".

Ông Thành nhấn mạnh: “Cơ chế này còn tạo ra kẽ hở để khâu trung gian trục lợi, Nhà nước mất nguồn thu, trong khi doanh nghiệp phải tăng chi phí - mà người tiêu dùng phải trả giá cuối cùng”.

Những thực tế nêu trên cho thấy những quy định liên quan đến trần lãi suất đang áp dụng tỏ ra bất cập với yêu cầu vận hành và phát triển của nền kinh tế. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng nếu tiếp tục coi mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ lãi suất trần hoặc thực hiện phương án thận trọng, như nâng mức lãi suất trần huy động lên mức 12% đến 13%.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong bài viết trên tờ Lao động Cuối tuần ngày 14/3 vừa qua cho rằng: “Trong thời gian qua có quá nhiều biện pháp hành chính đã được dùng trong nền kinh tế, gây lo ngại về xu hướng quay lại cách quản lý thời xưa đã bị cuộc sống phủ định. Ngân hàng Nhà nước có các công cụ “thị trường” của mình để điều tiết và nên hủy bỏ các biện pháp hành chính, nhất là các loại trần lãi suất”.

Cần sự sửa đổi để cởi trói ngân hàng

Rõ ràng, trần lãi suất không còn thích hợp với cơ chế thị trường đã dần hình thành hoàn chỉnh trên thị thường tiền tệ và thị trường vốn trong nền kinh tế Việt Nam và việc bãi bỏ trần lãi suất, theo các nhà phân tích “là một bước đi cần thiết trên con đường tự do hóa lãi suất của Việt Nam trong thời gian tới”, và họ tin rằng việc bãi bỏ này “sẽ không gây ra cuộc chạy đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại như lo ngại của giới chức lãnh đạo tiền tệ”.

Tuy nhiên, phải chăng Ngân hàng Nhà nước là người có thể quyết định việc giữ lại hay không trần lãi suất? Phải thấy rằng trong nhiều năm nay, chính Ngân hàng Nhà nước là người chịu áp lực nhiều nhất từ quy định của trần lãi suất trong vai trò người thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và điều hành hệ thống ngân hàng.

Chẳng hạn, khi nền kinh tế chịu áp lực suy thoái cục bộ do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu trong hai năm 2008, 2009, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể nào đưa lãi suất cơ bản xuống mức thấp (ví dụ 1%, 2%) để hỗ trợ nền kinh tế vượt suy thoái như các đồng nghiệp của họ ở các nước khác (ví dụ, mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ vào thời điểm đó là 0,25%, của Ngân hàng Trung ương Nhật bản là 0,1%, của Ngân hàng Trung ương Thái Lan là 3,5%).

Lý do chủ yếu là vì sự thiếu thốn thanh khoản tạm thời của các ngân hàng thương mại Việt Nam buộc các ngân hàng này phải nâng lãi suất huy động vốn, và Ngân hàng Nhà nước, với tư cách người điều hành hệ thống ngân hàng thương mại không thể nhìn họ bị kết án vi phạm luật quy định về trần lãi suất mà không giúp đỡ phần nào bằng cách nâng mức lãi suất cơ bản lên cao, dù rằng việc nâng mức lãi suất cơ bản lên cao trong điều kiện cả nước đang lo chống suy thoái kinh tế rõ ràng là không phù hợp chút nào.

Như vậy, quy định về trần lãi suất không phải là từ ý chí của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ là người phải tuân thủ điều luật này như các ngân hàng thương mại khác mà thôi.

Điều luật đó chính là điều 476 bộ luật Dân sự. Điều đáng nói là điều luật này có mục tiêu hết sức cần thiết là chống việc cho vay nặng lãi trong các quan hệ vay mượn giữa người dân với nhau. Chỉ có ba nội dung trong điều luật này là mang đến những hệ quả gây tranh luận.

Một là nó mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các tổ chức kinh tế và như vậy các ngân hàng thương mại cũng nằm trong đối tượng điều chỉnh của điều luật.

Hai là nó sử dụng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, vốn là một công cụ của chính sách tiền tệ là cơ sở để tính toán giới hạn của mức lãi suất trong giao dịch vay mượn mà vượt mức đó bị coi là cho vay nặng lãi. Ba là tỷ lệ tính toán giới hạn để định nghĩa mức cho vay của điều luật này quá thấp, chỉ là 150% trên lãi suất cơ bản (base rate) do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào từng thời điểm.

Như vậy, nếu áp dụng điều luật này cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, chúng ta dễ dàng thấy rằng các ngân hàng thương mại Việt Nam luôn luôn cho vay với mức lãi suất chính thức chạm đáy của mức cho vay nặng lãi, và khi áp dụng lãi suất nợ quá hạn cho các khoản vay này, họ đã trở thành những người cho vay nặng lãi đáng bị trừng trị.

Trên thực tế, nếu điều luật này được áp dụng một cách nghiêm minh, toàn thể hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đều có thể bị kết án là cho vay nặng lãi, và bất cứ doanh nghiệp đi vay nào cũng có thể kiện ngân hàng cho vay của họ để đòi bồi thường thiệt hại tài chính, nếu họ muốn. Nếu việc này xảy ra, liệu có còn giữ được ổn định trong hoạt động của hệ thống ngân hàng chúng ta?

Quả bóng giải quyết vấn đề bãi bỏ trần lãi suất hay không hiện nay đang ở trong chân các nhà làm luật. Cần phải có một sự sửa đổi, tu chỉnh hợp lý điều luật này để nó không còn là một sợi dây trói tay trói chân cả hệ thống ngân hàng của chúng ta.

Để kết luận, chúng tôi xin mượn lời của ông Nguyễn Quang A: “Không ai đòi hỏi mọi đại biểu Quốc hội đều phải là chuyên gia về mọi lĩnh vực hay thậm chí về một lĩnh vực cụ thể, như ngân hàng. Song đại biểu cần lắng nghe các chuyên gia phân tích điều hay lẽ phải và trên cơ sở đó đưa ra quyết định của mình khi bấm nút hay đề xuất sửa đổi một luật”.

13/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nghiệp Việt chinh phục những thị trường "khó chơi"
      Hội nhập... đúng giờ
      Smartlink và VNBC mở rộng kết nối liên thông
      Thương hiệu quốc gia: Chưa đậm!
      Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ mở rộng thêm 134 ha
      Từ 1.7: doanh nghiệp nhà nước kê khai vàng, ngoại tệ gửi ngân hàng
      Điện thoại thương hiệu Việt: Nhiều hãng phải rời cuộc chơi