Welcome
Rio Tinto: Bài học đắt giá cho doanh nghiệp nước ngoài
Toà án Trung Quốc vừa kết án Stern Hu, doanh nhân người Hoa quốc tịch Australia, cùng 3 đồng nghiệp người Trung Quốc từ 7 đến 14 năm tù với tội danh nhận hối lộ và đánh cắp tài liệu mật về thương mại.

Theo giới phân tích, vụ án Rio Tinto phơi bày môi trường kinh doanh đầy rủi ro và không minh bạch tại Trung Quốc. Đây là bài học đắt giá cho các công ty nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc, đồng thời là lời cảnh báo đối với các công ty tham gia những lĩnh vực "nhạy cảm" ở nước này - nơi các mối quan hệ đóng vai trò sống còn, luật pháp không rõ ràng và đầy rẫy các thủ đoạn bất lương.  

Giám đốc Rio Tinto chi nhánh Thượng Hải Stern Hu cùng ba nhân viên khác của Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto bị bắt giữ tại Trung Quốc cách đây hơn 8 tháng. Bốn nhân viên của Rio Tinto bị cáo buộc hối lộ lãnh đạo các hãng thép của Trung Quốc và làm gián điệp kinh tế. Những thông tin mật này liên quan đến các thỏa thuận về giá quặng sắt với các hãng thép của Trung Quốc chỉ có lợi cho Rio Tinto.

Trong vụ này, Stern Hu bị kết án 10 năm tù kèm theo số tiền phạt 500.000 NDT, với tội danh nhận hối lộ và đánh cắp tài liệu mật về thương mại. Vụ việc đã khiến quan hệ kinh tế giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng và các công ty trên khắp thế giới quan ngại rằng vụ việc này có thể ảnh hưởng tới các nhân viên của họ đang làm việc ở Trung Quốc.

Ngay sau khi Tòa án Nhân dân Thượng Hải công bố các bản án dành cho các nhân viên của tập đoàn Rio Tinto, Ngoại trưởng Australia Stephen Smith lập tức cho rằng án phạt dành cho các nhân viên này là quá nặng, và quyết định trên sẽ khiến cộng đồng kinh doanh toàn cầu cảm thấy bất an khi tới làm ăn tại Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia kinh tế và pháp luật, vụ án Rio Tinto là "câu chuyện cảnh giác" cho các doanh nhân đang hy vọng lợi dụng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Các công ty sẽ rất thận trọng trong việc đưa ra lời khuyên đối với những người đang làm ăn với họ tại Trung Quốc và buộc họ phải tuân thủ theo đúng quy định.

Ban lãnh đạo các công ty phương Tây cũng đang có những tính toán tương tự và sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của mình tại Trung Quốc, song điều khó khăn là các doanh nghiệp cần sự hợp tác và hỗ trợ từ giới quan chức Trung Quốc để tiến hành kinh doanh vì họ nắm nhiều quyền lực.

Mặt khác nếu xích mích với giới chức, giống như trường hợp của Stern Hu, họ có thể dùng luật để truy tố vì tội tham nhũng và làm tăng rủi ro cá nhân và pháp lý cho công ty. Không may là không có cách nào thoát khỏi tình thế này vì kinh doanh ở Trung Quốc là như vậy.

Tốc độ tăng trưởng mạnh của Trung Quốc một mặt là chỗ dựa cho nền kinh tế thế giới đang suy giảm, một mặt đẩy nhanh tiến trình đụng độ giữa các thể chế của Trung Quốc với những tiêu chuẩn về kinh doanh và luật pháp của phương Tây.

Vụ án Rio Tinto phơi bày môi trường kinh doanh đầy rủi ro và không minh bạch tại Trung Quốc

Theo nhà phân tích Damien Kingsbury thuộc Đại học Deakin, cách duy nhất để tránh rắc rối tại một nước có 45 triệu quan chức nắm quyền kiểm soát môi trường hoạt động kinh doanh là đảm bảo rằng mình trong sạch và cố không làm phiền chính phủ quá nhiều.

Sau vụ án Rio Tinto, nhiều doanh nhân nước ngoài làm việc tại Trung Quốc đang tự hỏi: thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đến các công ty ngoại quốc là gì và họ rút ra được bài học gì từ vụ này?

Trên nguyên tắc, tất cả các công ty nước ngoài đều không chấp nhận mọi hình thức hối lộ. Nhưng trên thực tế, các doanh nhân nước ngoài đều đã từng gặp những trường hợp như vậy trong công việc hàng ngày của họ.

Tại Trung Quốc, rất nhiều vụ đấu thầu hay các hợp đồng thương mại đều đi kèm theo việc trả tiền hoa hồng, còn được gọi nôm na là “phong bì đỏ". Việc đút túi các "phong bì đỏ" có thể được xem như là một thông lệ ở mọi cấp từ nhỏ đến lớn.

Ở cấp dưới, việc đút lót vài nghìn USD là để xin một con dấu hợp thức hóa văn bản, hay để xin quan chức địa phương nhắm mắt làm ngơ trong trường hợp có vi phạm luật. Còn ở cấp trên, thì khoản tiền hối lộ có thể lên tới hàng trăm ngàn USD với cùng một mục đích, tạo điều kiện thuận lợi để làm nhanh thủ tục, hoàn tất hợp đồng.

Thông lệ này thường được thấy nơi các quan chức, nhất là các quan chức địa phương. Trong bối cảnh đó, vụ án Rio Tinto chẳng khác gì một tín hiệu đi ngược lại những "thông lệ" thường diễn ra ở Trung Quốc.

08/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Vụ truy thu thuế xe tại VAN: Bộ Tài chính mâu thuẫn giữa nói và làm
      Nghệ thuật đặt tên thương hiệu
      Đi tìm “hàng hiệu” Việt
      Sony - Tập đoàn công nghệ thông tin và thiết bị điện tử hàng đầu thế giới
      Sữa tươi… có tươi thật?
      Dựng rào cản để giảm nhập khẩu nông sản
      PBS đưa phim tài liệu “American Experience” lên Facebook